So sánh sản phẩm

CÁCH PHÂN BIỆT SƠN GIẢ, SƠN KÉM CHẤT LƯỢNG

CÁCH PHÂN BIỆT SƠN GIẢ, SƠN KÉM CHẤT LƯỢNG

Thị trường sơn phát triển sôi động vô tình đã tạo ra kẽ hở cho những kẻ làm hàng nhái, hàng giả có cơ hội trà trộn chung với sơn chính hãng gây nhiễu loạn cho người tiêu dùng. 
Hiện nay, có 4 mánh khóe làm sơn giả phổ biến nhất bao gồm: 
  • Nhái nhãn hiệu sơn
  • Tự mua hóa chất sản xuất sơn giả không có kiểm định chất lượng
  • Sơn rẻ tiền được đóng gói trong vỏ thùng sơn đắt tiền
  • Rút bớt khối lượng và dung tích sơn trong thùng
 
Để phân biệt và lựa chọn sơn tốt cho ngôi nhà của bạn là một thách thức vô cùng lớn. Tuy nhiên, khi có sự hiểu biết cơ bản về sơn, biết cách thử, đánh giá sơn thì điều này trở nên vô cùng dễ dàng và quan trọng giúp bạn đánh giá chính xác loại sơn dùng cho ngôi nhà của bạn.

Giá cả

Đầu tiên bạn nên mua sơn thì hãy quan tâm tới giá trên mỗi đơn vị diện tích phủ trên tường. Giá này khác với giá trên cơ sở đóng gói. Thùng sơn giá rẻ nhưng lên tường được ít diện tích có khi còn đắt hơn thùng sơn giá cao nhưng lên tường được nhiều diện tích hơn. Hơn thế, sơn có độ phủ cao thường là những loại sơn có chất lượng tốt hơn. Bạn cũng cần chú ý khi mua sơn đôi khi xác định theo kg tạo cảm giác giá rẻ hơn lít vì tỷ trọng sơn cao hơn nước nên 1 lít sơn sẽ nặng hơn 1 kg. Bạn cần quy đổi để tránh bị rút lõi sơn. Điều này cũng giúp bạn có đánh giá một phần nào về sơn bởi sơn kém chất lượng thường có nhiều độn nên tỷ trọng cao hơn loại sơn chất lượng, cần phải cân cụ thể để xác định rõ.

Test thử độ dôi, độ phủ của sơn:

- Cách 1: Pha loãng sơn với nước theo các tỉ lệ khác nhau: 5%, 10%, 20%, 30%, 50% theo thể tích hoặc khối lượng. Sơn nào pha được nhiều nước mà vẫn phủ được (khi lăn hoặc quét lên tường vẫn che lấp nền được) thì sơn đó có độ phủ cao và thường gọi là dôi sơn.
- Cách 2: Bạn sử dụng 1 tờ giấy bìa trắng, lần lượt nhỏ 2 giọt sơn trắng bằng nhau của 2 loại sản phẩm muốn so sánh. Sau đó thử xoa rộng trên giấy. Sơn nào chiếm diện tích lớn hơn và lấp kín nền hơn sơn đó có độ phủ lớn hơn. Nghiêng mảnh giấy đã phết sơn ra ánh sáng sẽ thấy ở các góc nghiêng sơn nào không phủ sẽ biết ngay.

Thử độ đanh của sơn:

Phết các loại sơn có cùng độ bóng cần thử lên giấy hoặc bất kỳ vật liệu nào, chờ khô sau 2 giờ, 2 ngày, 7 ngày và 30 ngày bạn lần lượt kiểm tra độ đanh cứng. Chú ý: có sơn đanh cứng sau 2 ngày và không tăng lên nữa. Nhưng cũng có sơn càng để lâu càng đanh cứng. Sơn có độ đanh cứng cao thường là sơn tốt.

Thử độ căng nhẵn của sơn:

Pha sơn với nước theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì. Khuấy kỹ. Tiến hành thử và so sánh các loại sơn với nhau. Chú ý so sánh các loại sơn có cùng độ bóng. Bề mặt thử là tường bả rắn chắc và phải rất nhẵn. Xử lý lau rửa sạch bụi. Thông thường các sơn (càng sơn bóng càng rõ) khi lăn lên tường khi khô cho bề mặt chùng như vỏ cam hoặc loăng quăng vết sợi lô. Sơn nào tốt hơn sẽ cho bề mặt căng nhẵn hơn, kể cả sơn bóng và sơn mờ. Sơn lót chống kiềm cũng đòi hỏi cao yêu cầu này.

Thử độ thôi màu của sơn (màu bị rửa trôi khi gặp mưa hoặc thời tiết ẩm ướt):

Phết sơn lên giấy chờ khô sau 24h (hoặc sấy khô tại chỗ). Lấy một mảnh giấy nhám khác cọ xát vào mảnh giấy đã phết sơn quan sát màu sơn có bị thôi ra không. Hoặc lấy ngón tay cái tỳ mạnh và di đi di lại trên mảnh giấy sơn đã làm ướt, quan sát màu sơn có bị thôi ra không.

Ngâm nước thử độ bền của màng sơn và màu sơn:

Phết sơn vào một miếng bê tông hoặc một miếng gạch nhám. Để khô sau 5 ngày. Ngâm mảnh sơn này chìm trong nước (cho vào một cái lọ nhựa chẳng hạn). Quan sát độ bám chắc của sơn màu theo thời gian 1 tháng, 6 tháng, 1 năm, 2 năm. Sơn nào chịu đựng được lâu thì sơn đó tốt.

Ngâm nước muối NaCl 1% thử độ bền của sơn màu các vùng ven biển:

Phết sơn vào một miếng bê tông hoặc một miếng gạch nhám. Để khô sau 5 ngày. Ngâm mảnh sơn này chìm trong nước muối NaCl 1% (cho vào một cái lọ nhựa chẳng hạn). Quan sát độ bám chắc và độ bền màu theo thời gian 1 tháng, 6 tháng, 1 năm, 5 năm. Sơn nào chịu đựng được lâu thì sơn đó tốt. Chú ý trong một hãng sản xuất sơn có nhiều loại sơn và có nhiều mã màu sơn. Các mã màu sơn khác nhau có độ bền khác nhau, thậm chí cách xa nhau.

Lăn sơn lên tường trực tiếp:

Thử sơn trên giấy là bước đầu cảm nhận chất lượng. Lẽ tất nhiên không thể trực quan bằng lăn sơn trực tiếp lên tường.

Kiểm tra chất lượng sơn các hộ gia đình khác:

- Kiểm tra các hộ xung quanh đã lăn sơn về độ căng nhẵn mặt sơn, sơn có đanh chắc không, trần có bị thâm xỉn ố vàng không, màng sơn có che lấp kín đều tường không.
- Kiểm tra sơn ngoài trời màu có bền không, độ bóng có giữ được ổn định sau 5-7 năm hay không.
- Kiểm tra dưới chân tường (cả trong và ngoài nhà) sơn có bị sùi lên không, màu sơn có bị loang không (giống như ngâm sơn vào nước).
- Lấy một mảnh giấy cứng xát lên tường xem màu sơn có bị thôi ra giấy không.
- Kiểm tra sơn bóng trên nền bả có bóc ra được không.
 

 

Chia Sẻ :